Giết Giả Nam Phong Tư Mã Luân

Tấn Huệ Đế là ông vua đần độn, để Giả Hoàng hậu (Giả Nam Phong) nhũng nhiễu, thao túng và chiếm đoạt triều chính. Tư Mã Luân biết vậy bèn thiết lập quan hệ với Giả Nam Phong.

Năm 299, Giả Nam Phong vu cho thái tử Tư Mã Duật[1] tội phản nghịch, mang ra an trí ở thành Kim Dung. Các đại thần Sĩ ỶTư Mã Nhã muốn phục ngôi thái tử, bèn nhờ cậy Triệu vương Tư Mã Luân giúp đỡ. Tư Mã Luân so với Tấn Huệ Đế là thuộc hàng ông, mà so với Tư Mã Duật là đến hàng cụ. Tư Mã Luân muốn có cớ đánh Giả hậu, lại sợ thái tử là người thông minh, sau khi được phục ngôi thì khó chế ngự. Cho nên nghe theo lời mưu sĩ Tôn Tú, phao tin rằng triều thần muốn phục ngôi thái tử để phế Giả hậu. Giả hậu sợ hãi, bèn sai người hạ sát thái tử Duật ở nơi giam cầm.

Tháng 4 năm 300, Tư Mã Luân nghe tin thái tử bị giết, bèn lấy cớ báo thù, hợp quân với Tề vương Tư Mã Quýnh[2] Hai người phao tin Đông An Vương Tư Mã Do bị cách chức trước kia oán hận làm phản nên cầm quân đi dẹp tiến quân vào triều, diệt các thế lực của Giả, rồi xông thẳng vào cung bắt sống Giả Nam Phong, giam ở thành Kim Dung. Từ đó, loạn bát vương đầu thời Tấn bắt đầu. Đến tháng 9 năm đó, Tư Mã Luân sai mang rượu độc đến ép Giả hậu tự vẫn. Huệ Đế phong con cả Thái tử Duật là Hoài Lâm Vương Tư Mã Tân làm Hoàng thái tôn, phong cho Tư Mã Luân làm Sử trì tiết, Đại Đô đốc, Đốc Trung ngoại chư quân sự và lập làm tướng quốc. Tư Mã Luân lại theo lệ cũ của cha là Tư Mã Ý, ép vua phong cho con mình là Tư Mã Phức làm Tiền tướng quân, tước Tế Dương vương, con thứ là Tư Mã Kiền làm Hoàng môn lang, tước Nhữ Âm vương.

Hoài Nam Vương Tư Mã Doãn bị Tư Mã Luân tranh quyền trong triều, mang quân đánh ông trong cung, cuối cùng bị ông giết chết.